Sidebar

Thân mời các bạn sinh viên đăng ký tham dự chương trình triển lãm du học Úc - Mỹ - Canada do Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp Sinh viên phối hợp cùng công ty REX tổ chức.
Thời gian checkin: 8g30-9g00 Thứ bảy ngày 25/3/2023
Địa điểm: Giảng đường 107/C1
Số lượng có thể đăng ký: 200 sinh viên
Các sinh viên tham dự chương trình sẽ được cộng 01 điểm rèn luyện vào mục c Điều 8, mục c “Hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động chung của lớp, tập thể, khoa và nhà trường” học kỳ II, Năm học 2022-2023
Sinh viên quét mã QR code để đăng ký tham gia chương trình hoặc truy cập vào đường link:

“Cà phê Khoa học và Khởi nghiệp” là chương trình được diễn ra định kỳ hàng tháng với mục đích cung cấp các thông tin liên quan đến nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đến sinh viên trường Đại học Cần Thơ. Ở mỗi chương trình sẽ có các chủ đề khác nhau và các bạn sinh viên sẽ nghe các diễn giả chia sẻ về những kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu khoa học và xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp.

Chương trình Cà phê Khoa học và khởi nghiệp đã được tổ chức đến Kỳ thứ 7 với chủ đề “Câu chuyện khởi nghiệp: Từ nhà trường ra thị trường” với các diễn giả:

- Anh Lương Nguyễn Duy Thông - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Founder Công ty TNHH Quê Mình

- Thầy Trần Cao Đệ - Giám đốc TT. Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp Sinh viên trường Đại học Cần Thơ

- Cô Trần Thị Thủy Tiên - Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ

Nội dung chương trình xoay quanh về những trăn trở của các bạn sinh viên khi bước đầu dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ các bạn như: "Làm thế nào để tìm được nguồn vốn phục vụ cho quá trình khởi nghiệp?", "Để khởi nghiệp thành công cần nắm được những nguyên tắc cốt lõi nào?", "Bây giờ khởi nghiệp có phải là trào lưu? Với lượng startup nhiều như hiện nay thì các thầy cô có nhận xét gì?", "Nên tìm một việc làm ổn định hay là dấn thân vào con đường khởi nghiệp?" ...

Chúng ta hiện nay đang sống và làm việc trong một môi trường đang chuyển dịch rất rõ sang hướng số hóa, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số và những cụm từ này đang dần trở nên quen thuộc. Vì thế đã có nhiều ý kiến thắc mắc rằng chuyển đổi số có phải là vấn đề quan trọng mà các đơn vị doanh nghiệp nói chung và những đơn vị mới khởi nghiệp nói riêng cần quan tâm đẩy mạnh hay không. Hai diễn giả cũng đã có những chia sẻ sâu sắc về góc nhìn của mình đối với vấn đề này, và đưa ra lời khuyên cho sinh viên về những kỹ năng cần trang bị để thích nghi trong bối cảnh mới.

Tiếp nối chương trình, các diễn giả cũng đã chia sẻ về việc xây dựng Mô hình Canvas cho doanh nghiệp. Đây là một mô hình mà nhà kinh doanh hay khởi nghiệp nào cũng lấy đó làm kim chỉ nam cho các hoạt động của đơn vị. Anh Duy Thông đã nêu lên một số mảng chính, đặc thù trong mô hình Canvas mà các nhà startup trẻ cần tập trung để có cái nhìn tổng quan và xây dựng con đường hiệu quả cho dự án khởi nghiệp của mình.

Buổi Talkshow đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự có mặt của hơn 150 bạn sinh viên và các thầy cô tại trường Đại học Cần Thơ. Mong rằng qua những chia sẻ chân thật, thẳng thắn của các diễn giả về vấn đề khởi nghiệp hiện nay đã góp phần cung cấp những thông tin mới cũng như mở ra một góc nhìn mới cho các bạn sinh viên trong việc hình thành và xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp. Sau khi kết thúc buổi trò chuyện, các khách mời và sinh viên đã cùng nhau chụp ảnh kỉ niệm để lưu giữ lại khoảnh khắc quý giá:

Ngày 26/2 vừa qua, Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp sinh viên đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức buổi Talkshow: Chuyện sinh viên kỳ 3 với chủ đề “Học hay chơi đánh rơi tuổi trẻ?” với các khách mời là cựu sinh viên và sinh viên có thành tích xuất sắc như:

  • Chị Võ Nguyễn Minh Thùy: Chủ cửa hàng LỌ - Refill Station, Quản lý dự án Little Trap Project of CLEAR RIVERS, Tư vấn dự án The Water Agency, Tư vấn viên độc lập của Aus4Innovation - CSIRO
  • Chị Đỗ Thị Minh Trang: Giảng viên tiếng Anh - Trung tâm ngoại ngữ Đại học Cần Thơ, Cộng tác Dự án NGO - Water của Đức, Chuyên viên Hợp tác quốc tế - Sở ngoại vụ TP. Cần Thơ, Giám sát Trade Marketing - Công ty CTPM BSG Sông Hậu
  • Bạn Đỗ Minh Khôi - Công nghệ kỹ thuật hóa học K45: Giải nhất Cuộc thi Maker to Entrepreneur Program, Học bổng Odon Vallet 2022, Đại biểu Việt Nam tại ASEAN-Korea Youth Summit 2022, Học bổng ngắn hạn Chính phủ Hoa Kỳ Young Southeast Asian Leaders Initiative 2023 (YSEALI)

Buổi Talkshow diễn ra đã thu hút gần 200 bạn sinh viên với các ngành học và khóa học khác nhau, với mục đích chia sẻ, tư vấn các vấn đề thường gặp trong quá trình học tập tại đại học của các bạn sinh viên, ngoài ra còn giải đáp các thắc mắc, tâm tư trực tiếp cho các bạn.

Đã có rất nhiều bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả với đa dạng chủ đề như: cách học tiếng anh, làm sao cải thiện hiệu suất học tập, sắp xếp thời gian hiệu quả, làm sao hiểu mình hiểu người, chia sẻ về các dự án khởi nghiệp của các diễn giả, cách đạt được các học bổng trong và ngoài nước...

Về kinh nghiệm học ngoại ngữ, bạn Minh Khôi cho biết bản thân mình lúc ban đầu vẫn gặp khó khăn khi học tiếng Anh và có phần nghi ngờ bản thân, không biết rằng mình có làm được hay không. Tuy nhiên bạn vẫn cố gắng, kiên trì với mục tiêu của mình và cuối cùng đạt được thành quả như ý muốn. Vì thế lời khuyên của Minh Khôi cho các bạn sinh viên khi học 1 ngoại ngữ mới đó là nên kiên trì và cố gắng với những mục tiêu mà mình đã đề ra. Ngoài ra đối với việc học từ vựng, chúng ta có thể sử dụng phương pháp Spaced Repetiton (Lặp lại ngắt quãng) để ôn tập các từ vựng mà mình đã học, ngoài ra nên học thêm về phát âm và cách sử dụng từ chính xác.

"Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên gặp phải vấn đề trí nhớ kém, dễ quên trong học tập, trong công việc, phải nhắc mới nhớ đến việc phải làm,... Để khắc phục điều này thì mỗi bạn có thể làm gì để bản thân không còn giảm hiệu suất trong công việc, cuộc sống hằng ngày?"

Để giải đáp vấn đề này, chị Minh Trang đề xuất việc vẽ mô hình quản lý thời gian, như những việc khẩn cấp, những việc quan trọng thì nên đặt lên hàng đầu, việc nào chưa quan trọng và khẩn cấp thì sẽ kém ưu tiên hơn,... Ngoài ra, có thể vẽ ra timeline công việc cụ thể để không bỏ sót bất kỳ giai đoạn nào để hoàn thành công việc đó.

Chị Minh Thùy bổ sung thêm rằng: "Có thể sử dụng công cụ để giúp chúng ta quản lý là tốt, nhưng chúng ta cũng cần huấn luyện não bộ để nhớ, không nên quá phụ thuộc vào các công cụ."

Bạn sinh viên đã đặt câu hỏi cho các diễn giả: "Nhiều bạn trẻ có thể hiểu rất rõ thế giới bên ngoài nhưng sâu bên trong bản thân mình thì không biết mình là ai, bản thân thích gì, không thích gì, vì thế có thể chọn sai ngành học rồi sau đó chán nản, hối hận. Trong trường hợp này thì chúng ta có thể làm gì để cải thiện được tình hình?"

Chị Minh Thùy chia sẻ: "Trước đây chị học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng hiện tại đang làm bên mảng phát triển dự án, nhưng điều đó không có nghĩ là làm trái ngành vì chị vẫn có thể sử dụng những kiến thức đã học để áp dụng vào công việc hiện tại. Vì thế học một ngành nào đó không có nghĩa là chỉ biết về ngành đó mà có thể sử dụng kiến thức đã học để áp dụng vào nhiều công việc khác. Lời khuyên của chị là chúng ta nên trải nghiệm nhiều thêm ở bên ngoài để học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức mới ngoài ngành học của mình, đừng nên giới hạn bản thân. Ngoài ra, nếu không thích ngành mình đang theo học thì có thể suy nghĩ và thay đổi ngành học, hoặc học ngành 2 chứ không nên buông xuôi ảnh hưởng kết quả học tập và sức khỏe tinh thần của bản thân".

Chị Minh Trang cũng chia sẻ: "Ai cũng có những giai đoạn không hiểu bản thân mình, luôn đặt câu hỏi 'mình là ai?' cho bản thân mỗi ngày. Hiện nay trên Internet có rất nhiều các bài test để khám phá bản thân, từ đó có thể hiểu được thế mạnh của mình, mình hợp với cái gì, hoặc sử dụng sinh trắc vân tay để hiểu rõ hơn năng lực của bản thân để chọn được hướng đi phù hợp. Ta nên dành ra một khoảng thời gian cố định mỗi ngày để ngẫm lại bản thân, không nên để guồng quay cuộc sống làm mình quên mất mình là ai, mục tiêu của mình là gì. Dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tìm lại chính mình, nếu sai thì tiếp tục sửa".

Cuối cùng, để trả lời câu hỏi từ chủ đề của chương trình là "Học hay chơi", bạn Minh Khôi đã có một cách giải đáp rất thú vị: "Việc tập trung vào học hay chơi sẽ tùy thuộc vào con người mà bạn hướng tới. Nếu muốn bản thân đi sâu vào con đường nghiên cứu, học thuật thì nên tập trung 60% học và 40% chơi, để vừa có thể tập trung vào học tập nhưng cũng có thể giúp bản thân vẫn kết nối với mọi người. Ngược lại đối với những bạn theo hướng năng động hơn, muốn tham gia vào các dự án thì có thể dành 60% chơi và 40% học. Chơi không phải là chơi thông thường mà là đưa mình vào các hoạt động ngoại khóa, các dự án để bản thân linh hoạt và năng động hơn để phù hợp với hướng đi của bản thân nhưng cũng không ngừng học tập để trau dồi và nâng cao kiến thức bản thân".

Hy vọng rằng qua buổi Talkshow: Chuyện sinh viên kỳ 3 này có thể giúp các bạn sinh viên giải đáp các thắc mắc, trăn trở của bản thân ở hiện tại và hiểu được thêm về câu chuyện của mọi người xung quanh. Từ đó có thể tạo nên nguồn cảm hứng để các bạn phát triển và có các ý tưởng độc đáo trong tương lai.

Một số hình ảnh của sự kiện: 

Khách mời và sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng nhau

 

 

Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp dành cho sinh viên hàng năm, Văn phòng AUF HCM tổ chức buổi toạ đàm “Định hướng khởi nghiệp dành cho sinh viên” với các thông tin như sau:

 

NỘI DUNG : Khởi nghiệp khi nào thì phù hợp?

Không có tuổi để khởi nghiệp và không có nghề khởi nghiệp. Khởi nghiệp là sự kết hợp các yếu tố môi trường sống của mỗi cá nhân. Nếu các bạn còn đang băn khoăn về định hướng tương lai cho bản thân, các bạn nên tham dự buổi tạo đàm "Định hướng khởi nghiệp" do thầy Jean-Pierre TO chia sẻ kinh nghiệm. Với kinh nghiệm về ươm tạo và giảng dạy về khởi nhiệp ở TT ươm tạo doanh nghiệp KHCN ở Bách khoa TP. HCM, và kinh nghiệm thực tế ở nhiều nước trên thế giới, thầy sẽ cung cấp cho các bạn một số kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến việc hình thành kế hoạch khởi nghiệp của các bạn.

 

DIỄN GIẢ: Thầy Jean-Pierre Tô, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM.

NGÔN NGỮ: tiếng Việt (và tiếng Pháp nếu cần thiết).

THỜI GIAN: ngày 25/02/2023, từ 09:00 đến 12:00.

ĐỊA ĐIỂM: tập trung tại Văn phòng AUF HCM (49 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM) kết hợp truyền dẫn từ xa qua Zoom.

ĐĂNG KÍ: trực tuyến tại https://forms.office.com/e/m9Cj7E32CG (hạn chót: 21/02/2023).

 

TRUNG TÂM TƯ VẤN, HỖ TRỢ VÀ KHỞI NGHIỆP SINH VIÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

More Articles ...